Hội LHPN TPHCM Giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định số 2017/QĐ-UBND và Quyết định số 825/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM
Ngày 27/6 và 02/7/2024, Hội LHPN Thành phố tổ chức đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định số 2017/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” tại Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận Tân Phú với sự tham dự của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh...
Qua giám sát nhận thấy Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận Tân Phú đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các quyết định, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có nhiều mô hình, cách làm hay gắn với việc thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, xây dựng văn phòng tham vấn và cung cấp dịch vụ trẻ em, văn phòng tư vấn trẻ em; đẩy mạnh các câu lạc bộ, đội nhóm liên quan đến hoạt động tư vấn, phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc...
Bên cạnh đó, các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện quy trình: các vụ việc trẻ em bị xâm hại diễn biến phức tạp, hành vi đa dạng; việc phối hợp trong công tác giám định gặp khó khăn do tâm lý e ngại của gia đình; một số trẻ em thiếu sự quan tâm từ gia đình nên dễ bị xâm hại; khó khăn nhất là những vụ việc không có nhân chứng, không có camera giám sát, chỉ có lời khai từ bị hại (là trẻ em) nên chưa đảm bảo chứng cứ; các nạn nhân bị bạo lực gia đình không khai báo do nhiều nguyên nhân khác nhau…
|
|
Kết luận tại các buổi làm việc, bà Trịnh Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN Thành phố, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị tăng cường hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục phát huy các mô hình hay, hiệu quả trong công tác hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại và nạn nhân bị bạo lực gia đình; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nắm bắt nội dung mới, tuyên truyền đến các trẻ em kỹ năng bảo vệ bản thân, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trong các khu nhà trọ; nâng cao vai trò của các ngành, các cấp, thể hiện trách nhiệm của từng ngành trong công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp triển khai các hoạt động liên quan đến quy trình; tăng cường công tác xây dựng lực lượng trong các khu chung cư để nắm tình hình, nên đề xuất cơ chế phối hợp với hệ thống quản lý các khu chung cư để khi có sự việc xảy ra có thể dễ dàng trong việc can thiệp, xử lý...; Đề nghị các thành viên đoàn giám sát thuộc các Sở, ngành ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, xem xét, hỗ trợ giải quyết để đảm bảo quy trình thủ tục pháp lý được chặt chẽ hơn, để nạn nhân được can thiệp, hỗ trợ kịp thời và không bỏ lọt tội phạm.
Đoàn giám sát cũng tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị để tổng hợp đề xuất các sở, ngành; đơn vị liên quan nhằm tham mưu, chỉ đạo thực hiện quy trình phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ngọc Ý